Các bệnh thường gặp
Hỏi: Tôi hiện tại đang bị ho đã hơn 1 tháng và tôi đã đi khám ở 2 nơi nhưng tình trạng vẫn không thay đổi .Theo sự hướng dẫn của các thầy thuốc tôi đã uống những loại thuốc sau: 1. Bổ phế 2. Presdilon 3. Brotox 4. Nước xúc miệng TB. ( XQ- Theo kết quả XQuang thì các bác sĩ kết luận tôi bị viêm phế quản nguyên nhân là do viêm mũi dị ứng ) Xin bác sĩ dành chút thời gian trả lời giúp! Tôi xin chân thành cảm ơn !
Đáp:
Viêm phế quản có 2 thể:
- Thể viên phế quản cấp: thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn, bị các bệnh nhiễm vi-rút hoặc hít phải các hóa chất kích thích niêm mạc phế quản. Loại này điều trị thường khỏi hẳn không để lại di chứng lâu dài.
- Thể viêm phế quản mãn: Bệnh diễn biến lâu dài, bị ít nhất 3 tháng trong 1 năm và như vậy kéo dài trên 2 năm. Loại này thường để lại hậu quả là giãn phế quản, phế nang, ảnh hưởng đến tim. Biểu hiện chủ yếu là ho có đàm, khó thở khi gắng sức nghe phổi luôn có ran ẩm, có khi có cả ran rit, ngáy…
Điều trị: từng đợt gồm kháng sinh, giảm ho, long đờm, thuốc giãn phế quản nếu có khó thở. Nhưng quan trọng hơn cả là chế độ ăn uống sinh hoạt:
+ Vệ sinh môi trường nhà ở chống bụi khí công nghiệp.
+ Tập thể dục, nhất là tập thở.
+ Vỗ rung lồng ngực.
+ Vệ sinh răng miệng, họng hàng ngày bằng súc miệng nước muối sinh lý 9/1000.
Đơn thuốc của bạn gồm có thuốc điều trị cảm cúm bằng thảo dược (Thuốc ho bổ phế), presdilon có chứa thành phần là dexamethason là một corticoide chống viêm mạnh thường dùng khi có chỉ định viêm mũi dị ứng. Brotox thì chúng tôi không tìm thấy thông tin gì có thể bạn đã viết chưa đúng tên thuốc.
Việc dùng thuốc corticoid điều trị viêm phế quản có ho kéo dài như trên mà không khỏi thì có thể bạn không bị viêm mũi dị ứng. Bạn lại không được điều trị bằng khắng sinh thì bệnh chưa khỏi được.
Trường hợp này bạn nên đi làm thêm các xét nghiệm: Công thức máu, xét nghiệm đờm, chụp X-quang tim phổi, đo chức năng hô hấp để xác định giai đoạn và thể loại bệnh, từ đó BS điều trị mới đưa phương pháp điều trị phù hợp được.
(Theo thuocbietduoc.com.vn)
Hỏi: Tôi bị rối loạn tiêu hóa từ nhỏ, tôi muốn hỏi có men tiêu hóa nào điều trị được bệnh của tôi không? Nếu uống thì xin hãy tư vấn giúp uống loại men nào vừa hiệu quả và vừa kinh tế? Xin cảm ơn!
Đáp: Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiêu hoá cũng như có nhiều loại men tiêu hoá. Vì vậy, cần phải hiểu rõ cách sử dụng từng loại thuốc đối với từng trường hợp rối loạn tiêu hoá cụ thể:
Nếu chữa tiêu chảy, táo bón do dùng kháng sinh gây ra thì phải dùng antibio, có thành phần là men vi sinh lactobacillus acidophilus có tác dụng phục hồi rối loạn hệ vi sinh có ích trong đường tiêu hoá đã bị tiêu diệt khi dùng kháng sinh (dùng thuốc xa bữa ăn 2 giờ).
Nếu chữa rối loạn tiêu hoá phân thối, quánh thì dùng neopeptin trong thành phần có men tiêu hoá đường bột (amylase), men tiêu hoá đạm (papin) và tinh dầu kích thích tiêu hoá (dùng cho trẻ em là loại thuốc giọt, lọ 15ml). Cách chữa tốt nhất là dùng antibio để giúp cơ thể phục hồi hệ vi sinh vật có ích trong đường tiêu hoá. Sau đó nếu đi ngoài phân thối và quánh thì dùng neopeptin để bổ sung men tiêu hoá đường và đạm cho cơ thể (dùng thuốc giữa bữa ăn).
Debridate có thành phần chính là trimebutin maleate có tác dụng chữa khó tiêu, đau bụng quặn hoặc rối loạn nhu động ruột ở trẻ em. Trẻ 5 tuổi nên dùng loại thuốc nước (truyền dịch) mỗi lần 2 thìa cà phê x 2 lần/ngày.
Becombion xirô gồm có 6 vitamin nhóm B là B1, B2, B3, B5, B6 và B12 (chai 110ml và 60ml) có tác dụng chữa bệnh thiếu vitamin nhóm B. Thiếu máu, suy nhược cơ thể. Trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng, các bệnh đường ruột, gan. Liều trẻ em 1 thìa cà phê/ngày.
Tuy nhiên, muốn giải quyết tận gốc chứng rối loạn tiêu hoá cần:
Tập thói quen: Rửa sạch tay trước và sau mỗi lần ăn uống. Ðánh răng, súc miệng sạch sau khi ăn. Vì tay và miệng là nơi chuyển vào cơ thể đủ thứ: giun sán, vi khuẩn... Nếu tay và miệng sạch thì giảm được 60-70% các bệnh từ ngoài vào cơ thể.
Tẩy giun 6 tháng 1 lần (1 viên kẹo giun quả núi 500mg mebendazol hoặc 1 viên fugacar 500). Tác hại của giun là hút dưỡng chất làm người suy kiệt. Ðộc tố của giun cũng gây chứng rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, ỉa lỏng, táo bón, khó tiêu...
Bổ sung men tiêu hoá và men sinh hoá từ các loại quả: Ðu đủ chín hoặc dứa (khóm) chín: ăn 1 miếng nhỏ sau khi ăn cơm có tác dụng bổ sung men tiêu hoá chất đạm, chữa chứng ỉa phân thối. Cam, quýt, bưởi (ăn cả cùi cam vỏ dày và lấy chất nhày hạt bưởi uống) để giúp cơ thể tổng hợp các loại men cần cho quá trình sinh hoá trong cơ thể chống nhiễm độc môi trường. Chống táo bón (ăn cả múi).
Bữa ăn nào cũng có rau, nay thứ này mai thứ khác, để đảm bảo nhu cầu vitamin, khoáng chất, chất xơ chống táo bón.
Khi cần dùng thuốc chữa bệnh phải đến bệnh viện (Ðông hoặc Tây y) khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
(Theo thuocbietduoc.com.vn)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: